CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2011

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

CUỐI NĂM, SUY-NGẪM-NGHĨ-NGỢI-CA VỀ NGHỀ

Nghề là gì?
Đơn giản : Công việc hằng ngày làm để sinh nhai. Suy diễn: Công việc hàng ngày phải làm nhằm kiếm cái gì đó bỏ vào miệng để nhai và để…sinh!
Không biết ở cái thời kỳ mông muội hái lượm có phải là một nghề không? Chắc là không, bởi vì cái công việc nhàn hạ hoà bình kia không sinh ra giá trị thặng dư giả.
Cái nghề đầu tiên của loài người là nghề gì? Phải có đến hàng nghìn cái trán bị kéo dài ra và bị thời gian gặm mòn dần thành hói sau khi lúi húi bên cạnh hàng đống giấy mực, các nhà nghiên cứu nhứt trí óc với nhau rằng: Đó là nghề bán trôn nuôi miệng. Về sau cánh đàn ông học tập để tồn tại và chơi sang bằng cách bán miệng nuôi trôn.
Xã hội cho dù phát triển hoặc đi dần về phía diệt vong đều đẻ ra những nghề tương thích. Cụ thể như nghề lập trình. Và nghề phá thai. Từ đó nảy sinh ra khái niệm nghề cao quý và nghề bị lên án.
Đến đây có chuyện không ổn rồi: Nghề nào là nghề cao quý ?
Người đem chất xám, sức lực của mình để mưu sinh - người làm công ăn lương – đích thực là người tội nghiệp và đáng trân trọng. Tôi không dám xúc phạm đến công việc họ làm và buộc phải làm. Phần lớn trong số họ rơi vào hoàn cảnh nghề chọn người.
Trước khi tào lao tiếp, tôi thành thật xin lỗi những người có lương tâm và thiện ý, những người sống theo chuẩn mực đạo đức của mình, những người có lương tâm trong sáng, cao cả. Tôi chỉ lạm bàn về tính phổ biến mà dư luận xã hội đang hết mực quan tâm và ngao ngán:
Nghề giáo chăng? Nhan nhản chuyện nhức nhối đau khổ sở: nào là thầy giáo mồi điểm gạ tình, hiệu trưởng phỉnh phờ kiêm hù doạ để mua dâm học trò, thầy cô nói gần nói xa để thông qua nói thiệt buộc học sinh phải đi học thêm, cô nuôi dạy trẻ hành hạ các cháu chưa biết gì, và vân vân đau xót…

Nghề y à? Nói ra vết thương lòng không khéo bị đứt chỉ. Ở cái thời kỳ bao cấp có vị bác sĩ nghiền đủ loại thuốc trước khi bán cho bệnh nhân để họ không biết tên thuốc là gì. Vào cái thời kinh tế thị trường thì quá ư tội nghiệp cho ai trót dại mang bệnh: Chuyện một thầy thuốc trong năm phút khám cho mười người thì còn là chuyện nhân đạo. Cái chuyện cố tình kéo dài nỗi đau để nuôi bệnh thì cũng cho là nhân đạo mang tính nghệ thuật. Cái vụ bắt tay thân ái với con buôn ma quỉ để nâng giá thuốc lên trăm lần thì cũng cho là chuyện làm chi ăn nấy. Vô nhân đạo nhất là xem thưòng sinh mệnh đồng loại ở nhiều dạng thái khác nhau trong cùng một cung cách chung của các vị từ mẫu...
Nghề thày cãi ư? Miễn bàn khi các vị này được chỉ định để làm tròn luật. Và đáng miễn bàn hơn khi các vị này dùng ba tấc lưỡi để lết đến gần hơn cái tỷ lệ hưởng phần. Đạo đức là cái quái quỉ gì so với vinh quang thắng kiện?

Nghề làm quan? Con ơi học lấy nghề cha. Con ơi học lấy câu này. Làm nghề này nếu không khéo thì mất cả chì lẫn chài, mất cả đất lẫn nước. Lại phải mắc bệnh nghề nghiệp không chữa được: khi còn áo mão thì mặt cứ vênh lên, khi về vườn thì cứ gằm mặt xuống.
Nghệ sĩ chăng? Bổng chợt nhớ đến chuyện nói về các vị này được bố trí ở một cùng một khu không có công trình vệ sinh. Tiếu lâm thật! Nghề ngỗng thật!
Nếu chịu khó thống kê thì có đến ba vạn chín nghìn nghề, mà nghề nào nói chung cũng đều là nghề cao quý và là nghề bị lên án. Tuỳ thuộc vào lương tâm của chủ thể. Nếu khinh thường cái răng sữa của lương tâm khi hành nghề thì mai mốt bị răng nanh của của cái nghiệp xâu xé. Âu đó cũng là chuyện nhân quả.
… Nơi tôi ở, theo bản năng và tiềm thức tựa hồ như của loài cá đến mùa buộc phải bơi ngược dòng để sinh đẻ, như loài chim hàng năm buộc phải thiên di; có một số người cứ đến mùa Xuân là phải trồng hoa Tết. Cái nghề truyền thống của cha ông thôi thúc họ. Đau khổ sở, họ ngứa tay ngứa chân, thở dài nhìn những ngôi biệt thự và những mãnh đất hoang có chủ - trước đây vốn là những mãnh đất đầy ắp sắc màu của hoa Xuân và của họ.
Tìm cho bằng được địa chỉ của những vị đang sở hữu các mãnh đất bỏ hoang nọ, họ đến khép nép xin xỏ và hớn hở ra về. Những tấm lưng còng xuống và màu xanh vươn lên. Như một phép lạ, những luống cây ra nụ và sẳn sàng dâng cho đời hương hoa của mình.
Mùa Xuân lại đến.
Và bất ngờ tôi có một kết luận: Nghề nông là nghề cao quý, lương thiện và thiệt thòi nhất. Cảm ơn những người nuôi sống và làm đẹp cho đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét