CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2011

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Cha mẹ muốn để lại gì cho con cái?

SGTT.VN - Cha mẹ muốn để lại gì cho con cái? Con cái muốn cha mẹ để lại thứ gì? Câu trả lời dễ gặp là đất đai, nhà cửa, tiền bạc. Nhưng trong Bàn tròn kỳ này, vẫn có những câu trả lời khác: gia tài phải là phúc đức, là tri thức, là một tấm lòng...

Cha mẹ muốn để lại gì cho con cái?

Ăn khế trả vàng là câu chuyện cổ tích ai cũng biết, ngoài tính luân lý gia đình nó còn là chuyện “thừa kế”. Thời nào cũng vậy, người giàu có tất nhiên để lại tiền bạc, nhà cao cửa rộng cho con cái. Người nghèo khó thì cũng có cái chòi rách. Con cái nào cũng muốn cha mẹ đừng nghèo. Sự thật hiển nhiên là thế. Nhưng cuộc đời thì vẫn cứ giàu nghèo lẫn lộn. Vậy nếu cha mẹ không có tài sản, chỉ là thành phần nghèo khổ hay bình thường thì sẽ để lại gì cho con? Quan niệm Việt Nam thường là để đức. “Con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ”, nhiều bậc cha mẹ cố gắng ăn ở hiền lành, ngay thẳng, làm lành lánh ác chỉ để mong con mình được hưởng phúc đức thay tiền bạc. Quan niệm sống ấy ảnh hưởng sâu đậm trong tinh thần nhiều gia đình Việt.

Còn gì nữa? Ngoài tài sản, cha mẹ còn muốn để lại “cái chữ” cho con cái, tức tri thức, sự học, là bằng cấp đưa đến địa vị và công việc tốt trong xã hội.

Mẹ tôi quá nghèo, khi mất gia tài mẹ để lại cho anh em chúng tôi duy nhất một thứ lòng nhân ái bằng bài học nhỏ được lặp đi lặp lại mỗi ngày, mỗi khi có người ăn mày run rẩy đứng trước cửa. Lon gạo không đầy phải được những đứa con mang ra, đổ vào chiếc bao cũ: “Nhà cháu chỉ còn thế này, cụ nhé!” Cho ăn mày vẫn phải thanh minh, giải thích bằng lời. “Gia tài” mẹ để lại chỉ là thế nhưng nó đi theo con cái suốt đời trong hành vi xử thế.

Con cái muốn cha mẹ để lại thứ gì?
Của cải, tiền bạc – chắc chắn ai cũng mong như thế, nhưng cách để lại nếu chỉ là mảnh giấy khế ước hay bản di chúc cũng chưa hẳn đã là hoàn hảo. Mọi cuộc phân chia luôn có chỗ cho sự tị hiềm, lòng tham hiện hữu. Không thiếu những vụ án đau lòng giữa người thân với người thân trong gia đình chỉ vì bản di chúc ấy.

Vậy cái chữ nhé! Tri thức là thứ của cải không bao giờ bị “bão giá, trượt giá, mất giá”. Dù khi còn trẻ, học hành là nghĩa vụ cực khổ nhất mà mọi đứa trẻ đều kêu than. Với tuổi thơ, tuổi trẻ, đi chơi lêu lổng hay cắm mặt vào game bao giờ cũng thú vị hơn trước cuốn sách. Chỉ khi trưởng thành, vào đời làm việc ta mới hiểu được tri thức cần thiết và quan trọng đến thế nào. Để lại tri thức, cái chữ cho con cái là sự hy sinh khốc liệt, lớn lao nhất của những bậc cha mẹ nghèo. Có người bán xôi, có người đạp xe ba gác, có người bán vé số chỉ để mong con cái mình không thất học.

Dù thế, vẫn phải nhận thấy rằng có khi điều cha mẹ muốn, con cái lại không tiếp nhận. “Tôi muốn chữ, đừng cho tôi tiền”, “Tôi muốn tiền, sao cứ để cái đức trừu tượng cho tôi làm gì” v.v... Cuộc đời chả đơn giản chút nào. Tiền bạc – đức và chữ là quan niệm đã ăn sâu trong quan niệm sống của hầu hết những gia đình Việt Nam. Vấn đề tuỳ vào hoàn cảnh mà chọn lựa. Có không thiếu trường hợp cả tiền bạc, đức và chữ đều được thực hiện đồng thời. Cha mẹ giàu có vẫn chăm làm từ thiện và con cái tất nhiên được học hành đầy đủ từ trong nước lẫn nước ngoài.

Vậy chúng ta muốn để lại gì cho con cái? Còn là vấn đề phải suy ngẫm nhiều.

Đỗ Trung Quân

----------------------------------------------

TÔI SẼ ĐỂ LẠI CHO CON TẤM LÒNG THÀNH

MC Quỳnh Hương

Tôi hiếm khi nghĩ xa xôi đến việc sau này khi mình không còn sống nữa thì sẽ để lại cho con cái điều gì, vì mỗi ngày tôi đều tận lực trong công việc, gìn giữ những giá trị cuộc sống mà mình cho là quan trọng. Có thể những đóng góp nho nhỏ của tôi trong công việc không thay đổi được một diện mạo xã hội nhưng những người thân, bạn bè và con cái mình sau này sẽ cảm nhận được tâm huyết và tấm lòng của mình. Điều tôi mong muốn gìn giữ và truyền lại cho con cái chính là tấm lòng thành. Mọi kỹ năng có thể học, mọi kiến thức có thể bồi đắp nhưng sự chân thành, nếu không gìn giữ thì mọi mối quan hệ tình cảm, công việc trong cuộc sống sẽ rất lạnh lùng. Nếu bạn có sự chân thành, mọi khó khăn trong cuộc đời sẽ được hoá giải.

SỐNG CÓ KHÁT VỌNG LÀ QUAN TRỌNG NHẤT

Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch dã ngoại Lửa Việt, TP.HCM


Tôi không thích can dự vào cuộc sống riêng của con cái, thậm chí không nghĩ đến việc sau này mình chết đi thì để lại cho con tài sản gì. Quan trọng nhất là sống trên đời này phải có khát vọng, có niềm tin, sống đúng theo giá trị cao đẹp nhất của con người. Tôi cứ làm việc của mình mỗi ngày, đeo đuổi những điều mà mình nghĩ sẽ đóng góp tích cực cho cộng đồng. Con tôi sẽ nhìn thấy điều đó và tự hiểu. Hy vọng, những việc làm đầy đam mê và khát vọng của mình mỗi ngày sẽ truyền lại cho con cái sau này.

CHỈ MONG CON ĐỪNG TRỞ THÀNH NGƯỜI HÈN HẠ, ÍCH KỶ VÀ ĐỘC ÁC

Trương Tri Bích Dao, quận 3, TP.HCM


Tôi muốn chuẩn bị cho con cái mình môi trường phát triển đầy đủ cả về tinh thần lẫn vật chất cho cuộc sống sau này. Những quãng đời đã trải qua, những thành công, thất bại, niềm vui, nỗi buồn của chính tôi sẽ gửi lại cho con mình để hy vọng nó rút ra được điều gì đó. Kinh nghiệm của người đi trước sẽ rất có ích cho con cái. Nhìn vào đó, nếu thấy sai lầm thì con cái có thể tránh vết xe đổ. Chỉ mong con đừng trở thành người hèn hạ, ích kỷ và độc ác là mừng lắm rồi vì xã hội bây giờ phức tạp quá! Tôi làm việc chăm chỉ mỗi ngày, vì nếu có được sự hậu thuẫn tài chính tốt thì con mình sẽ tự tin hơn.

Phạm Văn Huề (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét