CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2011

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

CUỐI NĂM, SUY-NGẪM-NGHĨ-NGỢI-CA VỀ NGHỀ

Nghề là gì?
Đơn giản : Công việc hằng ngày làm để sinh nhai. Suy diễn: Công việc hàng ngày phải làm nhằm kiếm cái gì đó bỏ vào miệng để nhai và để…sinh!
Không biết ở cái thời kỳ mông muội hái lượm có phải là một nghề không? Chắc là không, bởi vì cái công việc nhàn hạ hoà bình kia không sinh ra giá trị thặng dư giả.
Cái nghề đầu tiên của loài người là nghề gì? Phải có đến hàng nghìn cái trán bị kéo dài ra và bị thời gian gặm mòn dần thành hói sau khi lúi húi bên cạnh hàng đống giấy mực, các nhà nghiên cứu nhứt trí óc với nhau rằng: Đó là nghề bán trôn nuôi miệng. Về sau cánh đàn ông học tập để tồn tại và chơi sang bằng cách bán miệng nuôi trôn.
Xã hội cho dù phát triển hoặc đi dần về phía diệt vong đều đẻ ra những nghề tương thích. Cụ thể như nghề lập trình. Và nghề phá thai. Từ đó nảy sinh ra khái niệm nghề cao quý và nghề bị lên án.
Đến đây có chuyện không ổn rồi: Nghề nào là nghề cao quý ?
Người đem chất xám, sức lực của mình để mưu sinh - người làm công ăn lương – đích thực là người tội nghiệp và đáng trân trọng. Tôi không dám xúc phạm đến công việc họ làm và buộc phải làm. Phần lớn trong số họ rơi vào hoàn cảnh nghề chọn người.
Trước khi tào lao tiếp, tôi thành thật xin lỗi những người có lương tâm và thiện ý, những người sống theo chuẩn mực đạo đức của mình, những người có lương tâm trong sáng, cao cả. Tôi chỉ lạm bàn về tính phổ biến mà dư luận xã hội đang hết mực quan tâm và ngao ngán:
Nghề giáo chăng? Nhan nhản chuyện nhức nhối đau khổ sở: nào là thầy giáo mồi điểm gạ tình, hiệu trưởng phỉnh phờ kiêm hù doạ để mua dâm học trò, thầy cô nói gần nói xa để thông qua nói thiệt buộc học sinh phải đi học thêm, cô nuôi dạy trẻ hành hạ các cháu chưa biết gì, và vân vân đau xót…

Nghề y à? Nói ra vết thương lòng không khéo bị đứt chỉ. Ở cái thời kỳ bao cấp có vị bác sĩ nghiền đủ loại thuốc trước khi bán cho bệnh nhân để họ không biết tên thuốc là gì. Vào cái thời kinh tế thị trường thì quá ư tội nghiệp cho ai trót dại mang bệnh: Chuyện một thầy thuốc trong năm phút khám cho mười người thì còn là chuyện nhân đạo. Cái chuyện cố tình kéo dài nỗi đau để nuôi bệnh thì cũng cho là nhân đạo mang tính nghệ thuật. Cái vụ bắt tay thân ái với con buôn ma quỉ để nâng giá thuốc lên trăm lần thì cũng cho là chuyện làm chi ăn nấy. Vô nhân đạo nhất là xem thưòng sinh mệnh đồng loại ở nhiều dạng thái khác nhau trong cùng một cung cách chung của các vị từ mẫu...
Nghề thày cãi ư? Miễn bàn khi các vị này được chỉ định để làm tròn luật. Và đáng miễn bàn hơn khi các vị này dùng ba tấc lưỡi để lết đến gần hơn cái tỷ lệ hưởng phần. Đạo đức là cái quái quỉ gì so với vinh quang thắng kiện?

Nghề làm quan? Con ơi học lấy nghề cha. Con ơi học lấy câu này. Làm nghề này nếu không khéo thì mất cả chì lẫn chài, mất cả đất lẫn nước. Lại phải mắc bệnh nghề nghiệp không chữa được: khi còn áo mão thì mặt cứ vênh lên, khi về vườn thì cứ gằm mặt xuống.
Nghệ sĩ chăng? Bổng chợt nhớ đến chuyện nói về các vị này được bố trí ở một cùng một khu không có công trình vệ sinh. Tiếu lâm thật! Nghề ngỗng thật!
Nếu chịu khó thống kê thì có đến ba vạn chín nghìn nghề, mà nghề nào nói chung cũng đều là nghề cao quý và là nghề bị lên án. Tuỳ thuộc vào lương tâm của chủ thể. Nếu khinh thường cái răng sữa của lương tâm khi hành nghề thì mai mốt bị răng nanh của của cái nghiệp xâu xé. Âu đó cũng là chuyện nhân quả.
… Nơi tôi ở, theo bản năng và tiềm thức tựa hồ như của loài cá đến mùa buộc phải bơi ngược dòng để sinh đẻ, như loài chim hàng năm buộc phải thiên di; có một số người cứ đến mùa Xuân là phải trồng hoa Tết. Cái nghề truyền thống của cha ông thôi thúc họ. Đau khổ sở, họ ngứa tay ngứa chân, thở dài nhìn những ngôi biệt thự và những mãnh đất hoang có chủ - trước đây vốn là những mãnh đất đầy ắp sắc màu của hoa Xuân và của họ.
Tìm cho bằng được địa chỉ của những vị đang sở hữu các mãnh đất bỏ hoang nọ, họ đến khép nép xin xỏ và hớn hở ra về. Những tấm lưng còng xuống và màu xanh vươn lên. Như một phép lạ, những luống cây ra nụ và sẳn sàng dâng cho đời hương hoa của mình.
Mùa Xuân lại đến.
Và bất ngờ tôi có một kết luận: Nghề nông là nghề cao quý, lương thiện và thiệt thòi nhất. Cảm ơn những người nuôi sống và làm đẹp cho đời.

Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Một số di tích tiêu biểu của đô thị cổ Hội An

Nằm tiếp giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú – Hội An, Chùa Cầu (hay còn gọi chùa Nhật Bản) là công trình kiến do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16. Do ảnh hưởng của thiên tại địch hoạ, Chùa Cầu đã qua nhiều lần trùng tu và dần mất đi các yếu tố kiến trúc Nhật Bản, thay vào đó là kiến trúc mang đậm phong cách Việt, Trung.
Chùa cầu ảnh chụp năm 1998
Chùa cầu ảnh chụp năm 1998
Chùa Cầu có dáng hình chữ Công, mặt cầu bằng ván gỗ cong vòng ở giữa, bắt qua con lạch thông ra sông Hoài. Cầu có mái che uốn cong mềm và được chạm trổ nhiều hoạ tiết tinh xảo. Trên cửa chính của Chùa Cầu có chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều (có nghĩa là cầu của những người bạn từ xa đến) – tên do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt trong một lần viếng thăm Hội An vào năm 1719. Trên sườn cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ – thần chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt theo tín ngưỡng của người Trung Hoa. Ở hai đầu cầu có đặt hai nhóm tượng khỉ và chó bằng gỗ ngồi chầu. Lai lịch của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù – một loại thuỷ quái có đầu nằm ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản và mỗi lần Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất ở những nơi này. Vì vậy, ngoài việc xây cầu để phục vụ giao thông, người xưa còn có hàm ý trấn yểm loài thuỷ quái, giữ cho cuộc sống yên bình.
Chùa Cầu là tài sản vô giá và đã chính thức được chọn là biểu tượng của Hội An.
Nhà cổ Quân Thắng (Số 77. Trần Phú – thị xã Hội An)
Là một trong những nhà cổ được đánh giá là đẹp nhất Hội An hiện nay. Ngôi nhà có niên đại hơn 150 năm, mang phong cách kiến trúc vùng Hoa Hạ Trung Hoa. Qua năm tháng, ngôi nhà vẫn được bảo tồn khá nguyên trạng về kiểu dáng kiến trúc và các bài trí nội thất, giúp ta hình dung được phần nào lối sống của các thế hệ chủ nhân, những người thuộc tầng lớp thương gia ở thương cảng Hội An trước đây. Được biết, toàn bộ phần kiến trúc và điêu khắc gỗ rất sinh động, tinh tế của ngôi nhà này đều do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng thực hiện. Đây là một điểm tham quan chính trong hành trình khám phá di sản văn hoá thế giới Hội An của du khách.

Nhà cổ Tấn Ký (Số 10. Nguyễn Thái Học – thị xã Hội An) Được xây dựng cách đây gần 200 năm, nhà Tấn Ký có kiểu kiến trúc hình ống – đặc trưng của loại nhà phố Hội An, với nội thất chia làm nhiều gian, mỗi gian có chức năng riêng. Mặt tiền nhà là nơi để mở cửa hiệu buôn bán, mặt sau thông với bến sông để làm nơi xuất, nhập hàng hoá. Vật liệu trang trí nội thất ngôi nhà chủ yếu là các loại gỗ quý và được trạm trỗ, điêu khắc rất tinh xảo các hình về giao long, hoa quả, bát bửu, dải lụa … thể hiện sự sung túc của các thế hệ chủ nhân.
Ngày 17 tháng 2 năm 1990, nhà Tấn Ký đã được cấp bằng di tích lịch sử – văn hoá quốc gia.

Nhà cổ Phùng Hưng (Số 4. Nguyễn Thị Minh Khai – thị xã Hội An) Với tuổi thọ hơn 100 năm, nhà Phùng Hưng có kết cấu độc đáo với phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng bao quanh, thể hiện sự phát triển về kiến trúc và sự giao lưu giữa các phong cách kiến trúc Á Đông tại Hội An trong các thế kỷ trước đây. Ngôi nhà chứa đựng nhiều thông tin về lối sống của tầng lớp các thương nhân ở thương cảng Hội An xưa. Mặc dù cũng được thực hiện bằng chất liệu quý nhưng nhà Phùng Hưng không trạm trỗ, điêu khắc cầu kỳ mà được giữ thô một cách cố ý.
Nhà Phùng Hưng được cấp bằng di tích lịch sử – văn hoá quốc gia vào ngày tháng 6 năm 1993

Hội quán Phúc Kiến (Số 46. Trần Phú – thị xã Hội An) Tương truyền, tiền thân của Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp chủ yếu của Hoa Kiều bang Phúc Kiến, hội quán càng trở nên rực rỡ, khang trang góp phần tô điểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An. Thông qua cách bài trí thờ phụng các hình nhân: 6 vị tiền hiền (lục tánh), bà mụ, thần tài … hội quán thể hiện sâu sắc triết lý Á Đông về hạnh phúc con người.
Hàng năm, vào các ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng âm lịch), Vía Lục Tánh (16 tháng 2 Âm lịch), vía Thiên Hậu (23tháng 3 âm lịch) … tại hội quán Phúc Kiến diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham gia.
Hội quán Phúc Kiến đã được cấp bằng di tích lịch sử – văn hoá quốc gia ngày 17 tháng 2 năm 1990.


Hội quán Triều Châu (Số 157. Nguyễn Duy Hiệu – thị xã Hội An)
Hội quán được Hoa Kiều bang Triều Châu xây dựng vào năm 1845 để thờ Phục Ba tướng quân Mã Viện – vị thần giỏi chế ngự sóng gió giúp cho việc đi lại buôn bán trên biển được thuận buồm xuôi gió, đắc lợi.
Hội quán có giá trị đặc biệt về kết cấu kiến trúc với bộ khung gỗ trạm gỗ chạm trổ tinh xảo, cùng những hoạ tiết, hương án trang trí bằng gỗ và những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp.

Hội quán Quảng Đông (Số 17. Trần Phú – thị xã Hội An) Hội quán được Hoa Kiều bang Quảng Đông xây dựng vào năm 1885, thoạt đầu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền của bang.
Với nghệ thuật sử dụng hài hào các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực và hoạ tiết trang trí đã đem lại cho hội quán vẻ đẹp đường bệ, riêng có. Hàng năm, vào ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng Âm lịch), vía Quan Công (24 tháng 6 Âm lịch) tại đây diễn ra lễ hội rất linh đình, thu hút nhiều người tham gia.
Hội quán Ngũ Bang (Số 64. Trần Phú – thị xã Hội An) Hội quán Ngũ Bang còn có tên là hội quán Dương Thương hay Trung Hoa hội quán, do các thương khách người Hoa gốc Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Gia Ứng xây dựng vào năm 1741 để làm nơi thờ tự Thiên Hậu Ngũ Bang mang đậm phong cách kiến trúc Trung Hoa
Chùa Ông (Số 24. Trần Phú – thị xã Hội An) Chùa Ông được xây dựng năm 1653, đã qua 6 lần trùng tu vào các năm: 1753, 1783, 1827, 1864, 1904, 1906. Chùa Ông có kiến trúc uy nghi, hoành tráng, tại đây thờ tượng Quan Vân Trường (một biểu tượng về trung – tín – tiết – nghĩa) nên còn có tên gọi là Quan công Miếu. Chùa Ông đã từng là trung tâm tín ngưỡng của Quảng Nam xưa, đồng thời cũng là nơi các thương nhân thường lưu đến để cam kết trong việc vay nợ, buôn bán, làm ăn và xin xăm cầu may.
Quan âm Phật tự Minh Hương (Số 7. Nguyễn Huệ – thị xã Hội An) Đây là ngôi chùa thờ Phật duy nhất còn lại giữa khu phố cổ, có kiến trúc và cảnh quan xinh đẹp đồng thời còn lưu giữ gần như nguyên vẹn các tác phẩm điêu khắc gỗ đặc sản do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng thực hiện. Chùa thờ Phật Quan Thế Âm Bồ Tát và một số chư vị Phật, Bồ Tát khác, vì vậy trong những ngày lễ, ngày rằm thường có rất nhiều người đến khẩn cầu.
Nhà thờ tộc Trần (Số 21. Lê Lợi – thị xã Hội An) Do một vị quan họ Trần (một dòng họ lớn từ Trung Hoa di cư đến Hội An vào những năm 1700) xây dựng năm 1802 theo những nguyên tắc phong thuỷ truyền thống của người Trung Hoa và người Việt. Tạo lạc trên một khu đất rộng khoảng 1500 m2, có nhiều hạng mục: nhà thờ tự ông bà và trưng bày các di vật liên quan đến dòng họ, nhà ở … Đây là nơi tụ họp con cháu vào dịp lễ bái, tri ân tổ tiên và giải quyết những vấn đề trong dòng tộc.
Nhà thờ tộc Trần là một trong những điểm tham quan điểm tham quan được nhiều du khách quan tâm.

Bảo tàng Lịch sử – Văn hóa Được thành lập vào năm 1989, bảo tàng trưng bày 212 hiện vật gốc và tư liệu có giá trị bằng gốm, sứ, đồng sắt, giấy, gỗ…phản ánh các giai đoạn phát triển của đô thị- thương cảng Hội An từ thời kỳ văn hoá Sa Huỳnh (từ thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên) đến thời kỳ văn hoá Chăm (từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 15) và văn hoá Đại Việt, Đại Nam (từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19). Đến thăm Bảo tàng Lịch sử – Văn hoá Hội An, du khách sẽ có được cái nhìn tổng quát về tiến trình lịch sử cũng như bề dày văn hoá của đô thị cổ.
Bảo tàng gốm sứ Mậu Dịch (Số 80. Trần Phú – thị xã Hội An) Được xây dựng vào năm 1995, bảo tàng lưu giữ trên 430 hiện vật gốm sứ có niên đại từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 18. Hầu hết các hiện vật là gốm sứ mậu dịch có nguồn gốc từ Trung Cận Đông, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam … minh chứng cho vai trò quan trọng của thương cảng Hội An trong mạng lưới mậu dịch gốm sứ trên biển vào các thế kỷ trước, đồng thời cũng cho thấy quan hệ giao lưu văn hoá- kinh tế quốc tế đã từng diễn ra rất mạnh mẽ ở Hội An.
Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh (Số 149. Trần Phú – thị xã Hội An) Bảo tàng là nơi cung cấp những thông tin phong phú về cư dân cổ thuộc hệ văn hoá Sa Huỳnh – chủ nhân cảng thị Hội An sơ khai từng có quan hệ giao lưu Trung Hoa, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á. Tại đây trưng bày 216 hiện vật văn hoá Sa Huỳnh có niên đại trên dưới 2000 năm được phát hiện qua các đợt khảo sát, khai quật khảo cổ học tại các địa điểm: Hậu Xá, Thanh Chiêm, An Bàng, Xuân Lâm … từ năm 1989 đến năm 1994.
Các hiện vật tại bảo tàng được đánh giá là bộ sưu tập độc đáo nhất của Việt Nam hiện nay về văn hoá Sa Huỳnh.

Tổng Quan Phố Cổ Hội An


Hội An là một thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam có nhiều khu phố cổ được xây từ thế kỷ 16 và vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến nay. Trong các tài liệu cổ của phương Tây, Hội An được gọi Faifo.  Phố cổ Hội An được công nhận là một di sản thế giới UNESCO từ năm 1999.  Hiện nay chính quyền sở tại đang tích cực khôi phục các di tích, đồng thời phát triển thành một thành phố du lịch. Hội An đã đươc công nhận là đô thị loại III và đã được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam.
Địa lý
Hội An trở thành thành phố vào năm 2008 trên cơ  sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thành phố Hội An, với 6.146,88 ha, 121.716 nhân khẩu.
Khi thành lập thành phố, Hội An có 13 đơn vị hành chính, gồm 9 phường: Minh An, Sơn Phong, Cẩm Nam, Cẩm Phô, Thanh Hà, Tân An, Cẩm Châu, Cẩm An, Cửa Đại; 4 xã là Cẩm Hà, Cẩm Thanh, Cẩm Kim và xã đảo Tân Hiệp – Cù lao Chàm.
Hội An nằm ở vùng hạ lưu ngã 3 sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển Tỉnh Quảng Nam, cách Thành phố Ðà Nẵng về phía Nam 28 km.
- Phía Ðông giáp biển Ðông
- Phía Nam giáp Huyện Duy Xuyên
- Phía Tây và Bắc giáp Huyện Ðiện Bàn
Lịch sử
Trước thế kỷ thứ 2

Kết quả nhiều cuộc thăm dò, quan sát các di tích mộ táng: Bãi Ông; Hậu Xá I,II; An Bàng; Xuân Lâm và các di chỉ cư trú : Hậu Xá I; Đồng Nà; Cẩm Phô I; Trảng Sỏi; Lăng Bà; Thanh Chiêm đã cung cấp nhiều thông tin quý về thời Tiền sử và thời văn hoá Sa Huỳnh muộn. Ngoài di tích Bãi Ông có niên đại hơn 3000 năm, thuộc thời Tiền sử (Tiền Sa Huỳnh), các di tích còn lại đều trên dưới 2000 năm, tức là vào giai đoạn hậu kỳ Sa Huỳnh.
Những bộ sưu tập hiện vật quý được thu thập từ các di tích khảo cổ là các loại thuộc về công cụ sinh hoạt, lao động sản xuất, chiến đấu, trang sức, tín ngưỡng… bằng các chất liệu gốm, đồng, sắt, đá, thuỷ tinh. Đặc biệt còn có cả những tiền đồng Trung Quốc: Ngũ Thù; Vương Mãng cùng với các đồ trang sức mã não, thuỷ tinh có gốc gác từ Nam Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Đông, chứng tỏ cách đây 2000 năm, dân cư ở đây đã có nghề trồng lúa nước, khai thác thuỷ sản và làm các nghề thủ công. Đồng thời cũng thể hiện rõ mối quan hệ giao lưu văn hoá trong nước cùng các hoạt động buôn bán với nước ngoài, lập nên một Cảng-Thị sơ khai, là nền móng cho các Cảng-Thị sau này.
Thế kỉ thứ 2 – Thế kỉ 15
Hai con mắt trên trong chùa Cầu (Lai Viễn Kiều). Rất nhiều nhà cổ ở Hội An có hai con mắt trên cửa như trong hình
Kế tiếp dân cư Sa Huỳnh cổ là dân cư Champa với nền văn hoá rực rỡ, mở đầu thời kì vàng son cho một Cảng-Thị hưng thịnh. Những cái tên Chiêm Bất Lao (Cù Lao Chàm), Đại Chiêm Hải Khẩu (Cửa Đại), Cachiam cùng với những tượng đá, giếng gạch và dấu vết nền tháp, đặc biệt trong các di chỉ khảo cổ học với các hiện vật gốm sứ Champa, Ả Rập, Trung Quốc; các đồ trang sức từ Trung Đông, Ấn Độ và nhiều tài liêu, thư tịch cổ Trung Quốc, Ả Rập, Ấn Độ, Ba Tư xác nhận vùng Cửa Đại xưa kia là hải cảng chính của nước Champa. Vùng Lâm Ấp phố là nơi các chiến thuyền ngoại quốc thường ghé lấy nước ngọt từ những giếng Champa rất ngon và trong; trao đổi sản vật như trầm hương, quế, ngọc ngà, thuỷ tinh, tơ lụa, đồi mồi, xà cừ.
Thế kỉ 15 – Thế kỉ 19
Tiếp nối thời Champa, khoảng cuối thế kỉ 15, Hội An đã có dân cư Đại Việt tới sinh sống. Trong buổi đầu cùng với việc khai hoang, lập làng, người Việt còn sáng tạo ra một số ngành nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội nơi đây. Từ cuối thế kỉ 16 – thế kỉ 17, có thêm nhiều người Hoa và người Nhật đến định cư, giúp thương nghiệp Hội An phát triển. Kết hợp với vị trí địa lý phù hợp, Hội An nhanh chóng trở thành một thương cảng phồn thịnh trong nhiều thế kỉ.
Đến giữa thế kỉ 19, nền kinh tế Hội An nhanh chóng suy thoái do nhiều nguy nhân bất lợi: sự bồi cạn, sông chuyển dòng, chính sách kinh tế hạn chế của triều đình phong kiến. Ngay gần đó, thương cảng Đà Nẵng hiện đại do người Pháp lập nên đã lấn át hết vai trò của Hội An.
1858 đến nay
Trong suốt 117 năm kháng chiến, nhân dân Hội An đã kiên cường chiến đấu cho độc lập và thống nhất của Việt Nam; tiêu biểu là phong trào Nghĩa Hội của Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Sau đó, có nhiều cuộc nổi dậy, phong trào như Duy Tân, phong trào chống thuế, Đông Du.
Ngày 22 tháng 8 năm 1998 Hội An được nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Ngày 4 tháng 12 năm1999 taị kì họp thứ 23 tổ chức tại Marrakesh (Maroc), Uỷ ban Di Sản thế giới của UNESCO đã công nhận Hội An là di sản văn hoà thế giới.
Duong pho Hoi An
Hội An có 7 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch và 01 ngư trường khá rộng với nguồn hải sản khá dồi dào, có đảo Cù Lao Chàm (rộng 1.591 ha) với nguồn đặc sản Yến Sào nổi tiếng, đồng thời là nơi rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái (Biển – Đảo).
+ Tài nguyên thiên nhiên nổi bật :
Từ thế kỷ 16 đến 19, Hội An từng là trung tâm mậu dịch quốc tế trên hải trình thương mại đông – tây, là một thương cảng phồn thịnh nhất của xứ Đàng Trong – Việt Nam dưới triều đại các chúa Nguyễn bởi thương thuyền từ Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan … thường đến đây để trao đổi, mua bán hàng hoá. Trong lịch sử hình thành và phát triển, Hội An đã được thế giới biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau. Phổ biến nhất là: Faifo, Haisfo, Hoài phố, Ketchem, Cotam… Các di chỉ khảo cổ và các hiện vật, công trình kiến trúc còn lưu lại đã chứng minh Hội An là nơi hội tụ, giao thoa giữa nhiều nền văn hoá: Chăm, Việt, Trung Hoa, Nhật Bản … trong đó chịu sự ảnh hưởng nhiều nhất của văn hoá Việt và Trung Hoa.
Đến nay, khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ… và những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính trông hư hư, thực thực như một bức tranh sống động. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Ngoài những giá trị văn hoá qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hoá phi vật thể khá đồ sộ. Cuộc sống thường nhật của cư dân với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hoá đang được bảo tồn và phát huy cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các làng nghề truyền thống, các món ăn đặc sản … làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.
Tháng 12 năm 1999, UNESCO đã công nhận khu phố cổ Hội An là di sản văn hoá thế giới.
Theo tài liệu thống kê, đến nay Hội An có 1.360 di tích, danh thắng. Riêng các di tích được phân thành 11 loại, gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ. Trong khu vực đô thị cổ có hơn 1.100 di tích.
Nguồn: Sưu tầm và WikiPedia Tiếng Việt

Xin tiền tiên


http://mp3.zing.vn/mp3/nghe-album/play.79920.html
Có hai anh hay nói láo. Một hôm, cùng đi tắm với nhau, anh nọ muốn lòe anh kia, nên mang theo năm tiền của mình rồi lặn cuống nước, lúc ngoi lên chìa năm tiền ra, nói:
- Tao lặn xuống gặp hai ông tiên đang đánh cờ. Tao vào xem thì hai ông ấy cho tao năm tiền bảo đi chỗ khác. Tao mừng quá bơi lên đây.
Anh kia biết anh này nói láo, định xỏ lại. Anh ta giả bộ tin là thật, hỏi:
- Thết à! Thết thì để tao lặn xuống xem, may ra xin được mấy tiền nữa thì hay.
Nói rồi liền lặn xuống. Một lát bơi lên:
- Tao lại gặp hai ông tiên đánh cờ. Tao mon men đến định xin tiền, thì hai ông ấy mắng, bảo: "Thằng trước xuống đây, đã cho năm tiền bảo về chia nhau. Vậy còn xuống quấy rầy gì nữa!"
Biết là bị xỏ, nhưng anh nọ cũng đành phải chia cho anh kia hai tiền rưỡi.

Hãy tựa vai anh mà khóc

Ta biết rằng cố quên sẽ là nhớ .
... Và có những chiều em cảm thấy đơn côi
Hãy về đây, dựa vai anh mà khóc
Kể cho anh nghe chuyện đời gai góc
Chia bớt cho anh cảm giác xót xa
Vì anh suốt đời là một sân ga
Đón nhận buồn vui con tàu em chở đến
Dù có một ngày con tàu em thay bến
Sân ga này cũng vẫn sẽ còn đây.

... Và khi nào sầu nặng dáng em gầy
Hãy trở lại, dựa vai anh mà khóc
Than thở với anh rằng người đời lừa lọc
Sớt bớt cho anh nỗi khổ bị dối gian
Anh sẽ vỗ về "Dù mất cả trần gian"
Em luôn có bờ vai anh để khóc
Em không bao giờ lẻ loi cô độc
Em không bao giờ thiếu một bờ vai
Em không bao giờ thiếu một vòng tay
Khóc đi em, dựa vai anh mà khóc!

Cái tâm là gốc của thành công!


Trong chúng ta ai cũng có một công việc trước hết để kiếm sống, sau là làm giàu. Có người thành công, có người thất bại. Có người rất hài lòng, có người bất mãn, có người coi đó chỉ là một bước tạm thời trong lúc “quá độ”. Và ai cũng mong muốn sẽ thành công. Nhưng mọi người đã làm việc ra sao? Kết quả thế nào?

Một chị giúp việc tốt bụng làm trong một gia đình ở Hà Nội đã 9 năm, chị được chủ nhà rất tin tưởng, thân thiết như ruột thịt. Ngoài mức lương luôn khá hơn những “đồng nghiệp” xung quanh một chút, chị còn được mua bảo hiểm xã hội để sau này về già có lương hưu.

Nhưng cũng ra Hà Nội làm giúp việc, một cô bé mới 16 tuổi đã giết chết chủ nhà một cách dã man nhằm cướp của, để rồi bây giờ nhận mức án 18 năm tù. Cha mẹ đau lòng, xã hội nhức nhối, và tương lai của cô sau này sẽ ra sao?

Một cậu sinh viên Bách Khoa mới ra trường làm lập trình viên trong một công ty tin học. Bắt đầu với mức lương “phó bình dân”, chẳng hề gì, cậu cần mẫn học hỏi đàn anh để hoàn thành bằng được trách nhiệm của mình. Chẳng bao lâu sau cậu thành thạo mọi việc, dự án cậu quản lý chẳng ai phải phàn nàn. Sau 8 năm, bây giờ cậu là một trong những trụ cột “cứng” rồi, không những lương thưởng cao công ty còn chia cổ phần để gắn bó với cậu lâu dài.

Cậu này có cô bạn cùng lớp đại học luôn tự coi mình là “ngôi sao tương lai”, đi xin việc ở đâu cũng khoe khoang về những khả năng “hơn người”. Bởi vậy khi nhận được công việc bình thường cô cho rằng không “xứng tầm”. Sau khi làm một thời gian chẳng có gì thay đổi, cô kết luận “sếp” không biết đánh giá “đúng chất” con người, cô tìm một công ty khác. Nhưng lãnh đạo của công ty mới hình như cũng không biết “nhìn nhận”, chẳng mấy chốc cô lại chán. Rốt cuộc, 8 năm trời nay cô chạy hết công ty này sang công ty khác, vào Nam ra Bắc đủ cả, cứ lâu lâu lại thấy cô lãnh lương “thử việc”. Cô cũng chán ngán cảnh này tới stress và thường than vãn với mọi người là “không hiểu sao số tôi đen thế”. Có bạn nào giống cô ấy không? Xin thưa rằng số phận chỉ tạo hoàn cảnh còn quyết định kết quả xấu tốt ra sao là do con người chúng ta suy nghĩ và hành động có đúng đắn hay không mà thôi.

Có ông chủ 8x cũng “số đen”, vừa lĩnh án 9 năm tù. Bản thân tôi đã từng có vài lần tiếp xúc, đó là một chàng trai thuộc diện thông minh, năng động, khả năng ngoại giao, kinh tế đều được. Có lẽ nhờ đó cậu nắm bắt được tâm lý muốn kiếm tiền “vừa nhanh, vừa dễ, vừa nhiều” của thiên hạ nên cậu đã “tạo điều kiện” cho họ. Chương trình đầu tư tài chính đa cấp hưởng lãi cao (nhưng kết quả là mất cả chì lẫn chài) của cậu chỉ trong một thời gian ngắn đã thu hút mấy ngàn nhà đầu tư gửi tiền vào. Tôi thấy tiếc cho đời cậu, có tài mà vận dụng không đúng chỗ, kết cục thê thảm hôm nay là điều hiển nhiên. May mà pháp luật sớm phát hiện ra cách “làm ăn” này và “thu xếp” cho cậu được ngồi “đúng chỗ” của mình cho tới khi bóc xong 9 quyển lịch.

Những ông chủ làm ăn bốc giời, hớt váng, hoặc bất chấp lương tâm, đạo lý (cho ra đời những sản phẩm rởm, những dịch vụ làm khốn khổ người sử dụng, trở thành mối nguy hại cho xã hội) thì những đồng tiền trái đạo này sớm hay muộn cũng phản chủ, cũng tan tành bởi quy luật cuộc đời. Các bạn trẻ hăng hái làm giàu đừng quên rằng chỉ những sản phẩm, dịch vụ tốt, có ích cho con người, cho xã hội mới tồn tại được lâu bền và đem lại sự giàu có, thành đạt đích thực cho các bạn.

Cuộc sống có những quy luật không thể đi ngược lại. Thực tế đã chứng minh ông trời chẳng cho không ai cái gì. Ta được cái này thì mất cái khác, đúng với những công sức, tâm huyết mình bỏ ra.

Người làm công bình thường (lương “ba cọc ba đồng”) thì ít lo nghĩ, có thời gian tận hưởng cuộc sống. Chỉ vất vả lúc chưa xong việc thôi, cứ hết giờ làm là thoải mái vô tư. Tài năng và công sức cống hiến tới đâu hưởng tới đó. Vận mệnh của công ty đã có “sếp” chịu trách nhiệm, mình cứ lương thưởng đầy đủ là êm ru. Còn các ông chủ thì chẳng bao giờ có khái niệm hết giờ, xong việc hay nghỉ ngơi thực sự. Nhìn họ bình thản vẻ bề ngoài thôi, trong đầu bề bộn lo toan và công việc. Ai đã từng trải qua mới hiểu việc đưa một sản phẩm hoặc một dịch vụ mới ra thị trường, rồi phát triển thành một thương hiệu mạnh nó “xương” như thế nào. Những người thành công quả là đáng khâm phục, họ phải đổ bao nhiêu công sức, thời gian, trí tuệ, tiền của mới có được thành quả mà mọi người nhìn thấy. Và họ luôn thèm cái cảm giác “như bác nông dân cày xong thửa ruộng”, được ăn thấy ngon miệng, ngủ ngon giấc, đầu óc không phải phân tán, ưu tư. Làm gì cũng có cái giá của nó là thế đấy.

Khi chúng ta chọn cho mình con đường tương lai không cần phải cố “đua” theo một trào lưu nào, hãy để cuộc đời cho công việc mình yêu thích và có khả năng thực sự, để bạn có niềm đam mê, thấy mình đã quyết định đúng, nếu thất bại cũng không hối hận. Và trước hết phải có tâm, có đức, có lòng nhiệt huyết, có trách nhiệm thì việc gì cũng mang lại thành công. Không phải ai cũng tìm được đúng ngành học, đúng hướng đi ngay từ đầu. Bạn cứ hoàn toàn tự tin chuyển đổi sang việc khác phù hợp với mình hơn. Chẳng có nhẽ gì mà chỉ mấy năm học đại học là quyết định cả cuộc đời (những sáu, bảy chục năm sau đó) phải “theo nghề”. Hiện nay số người làm không đúng ngành học ban đầu và đã thành công rất nhiều, người ta vẫn có câu “tay trái to hơn tay phải” mà!

Nếu bạn trẻ nào chọn con đường làm chủ thì hãy xác định đó là cả một quá trình vất vả, gian nan, đã đam mê rồi thì quyết đầu tư tới cùng, phải kiên trì làm bằng được. Nếu chọn con đường trở thành một người làm công thì dù ở đâu cũng hãy vận dụng hết tài năng, tâm huyết, để trở thành “cây cổ thụ” trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Cả hai lựa chọn trên đều có cơ hội thành công và thất bại như nhau.

Mỗi người có một sự nghiệp riêng, làm công hay làm chủ cũng vậy, quan trọng là ai sẽ thành công? Cho dù làm gì cũng chỉ là một “con đường” mà bạn lựa chọn, không có con đường nào tốt hơn, vấn đề là ai sẽ đi tới đích?

Thành đạt không quan trọng là bạn làm thuê hay làm chủ. Theo tôi, trả lời được những câu hỏi dưới đây là ổn rồi:

(1) Việc bạn đang làm có chân chính, lương thiện không ?
(2) Việc đó có đúng với khả năng và ước vọng của bạn không ?
(3) Bạn đã suy nghĩ và làm việc hết mình chưa ?
(4) Sản phẩm (hoặc kết quả công việc) của bạn đã tốt nhất chưa ?
(5) Thu nhập có xứng với công sức bỏ ra hay không?

Các cụ ta vẫn nói “có đức mặc sức mà ăn”, càng ngày tôi càng thấy câu nói đơn giản này có ý nghĩa to lớn, đúng đắn và sâu sắc. Hơn bao giờ hết, câu nói này rất phù hợp và cần được nêu cao trong xã hội ngày nay, đặc biệt là với những bạn trẻ đang xây dựng sự nghiệp tương lai, bằng con đường nào cũng vậy. Nhớ nhé bạn trẻ, cái tâm, cái đức chính là nền tảng cho mọi thành công đích thực. Năm cũ đã qua rồi, chúc các bạn một năm mới thành công, hạnh phúc.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đức Giang
Nguồn tin: vnexpress.net